Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Vì sao khi xây nhà / sửa nhà lại thường bị phát sinh ?

Năm 2011, khi đó có một người bạn của tôi tên Nam nhờ tôi xem và báo giá sửa chữa cho căn nhà của gia đình anh. Căn nhà của Nam được xây dựng vào năm 2006, một trệt, hai lầu và diện tích khoảng 55m2. Nay vì trong nhà có thêm thành viên mới nên anh muốn nâng thêm 1 tầng mới và ngăn thành 2 phòng. Nam đề nghị tôi xem và báo giá cho Nam "phần thô", các vật liệu nội thất hoàn thiện sẽ do anh tự chọn. 

Sau khi xem xét, tính toán kỹ lưỡng, tôi báo tổng cộng phần nâng tầng của anh hết khoảng 150 triệu đồng. Vài ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Nam, qua điện thoại Nam xin lỗi vì đã phiền tôi mất thời gian khảo sát báo giá nhưng có người chú họ trong nhà cũng làm xây dựng nên Nam muốn nhờ chú làm luôn cho tiện. Vốn dĩ cũng khá quen với tình huống này nên tôi cũng chẳng nề hà gì. 

Ba tháng sau, một lần ngồi uống cà phê chung với Nam, tôi sẵn tiện hỏi Nam về tình hình căn nhà sửa chữa như thế nào ? Nam mới kể tôi nghe câu chuyện làm nhà. Lúc ấy người chú họ chính là một người quen của mẹ Nam tên là Hoàng, cũng khảo sát và báo giá cho gia đình. Chú ấy báo chỉ có 135 triệu thôi, trong khi tôi báo giá đến 150 triệu. Sau khi đắn đo, cân nhắc mãi thì bố mẹ Nam mới quyết định thôi nhờ chú Hoàng làm, dù sao cũng chỗ quen biết mà giá lại rẻ hơn. 

Rồi công trình cũng khởi công, các anh thợ làm cũng nhiệt tình lắm. Sau 3 tuần, căn nhà đã xong phần đổ mái và xây tô xong các vách tường ngăn. Lúc này Nam mới mang bột trét, sơn nước, gạch ốp về để thợ làm tiếp phần hoàn thiện. Nhưng sau khi mua vật tư về, gọi thợ làm thì chẳng thấy thợ làm. Nam mới điện thoại cho chú Hoàng nói chú cho thợ làm tiếp phần sơn, gạch ốp và đường điện nước. 

Chú Hoàng trả lời : "Ủa, công việc của chú đến đây là xong rồi ! Chú chỉ nhận thi công phần thô thôi mà. Các phần khác cháu gọi người của bên cháu làm đi chứ ! Đâu phải phần việc của chú đâu !". Lúc này Nam và cả nhà mới té ngửa, té ra phần thô của chú Hoàng chỉ bao gồm các công việc liên quan đến cát, đá, xi-măng... Mở lại hợp đồng đã thì chỉ là một tờ giấy ghi chung chung gồm: xây dựng phần thô, diện tích xây dựng 55m2, giá trị 135 triệu. 

Thế là cả nhà Nam cũng đành chịu, phải hỏi tiếp chú Hoàng nhận phần công việc còn lại với giá bao nhiêu ? Chú Hoàng báo :phần lát gạch hết 8 triệu, sơn nước 17 triệu, làm điện nước thêm 10 triệu nữa, tổng cộng là 35 triệu. Cả nhà Nam thấy hoảng với giá chú đưa ra, nhưng giờ chẳng biết làm sao. Định bụng kiếm thầu khác vô làm tiếp phần hoàn thiện và trang trí, nhưng chẳng biết hỏi ai, mà kêu nhóm thợ khác vô làm thì thấy sao mà rắc rối quá. Cuối cùng cả nhà đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, giao tiếp cho chú Hoàng làm phần còn lại. Đến khi làm xong công trình, tổng tiền cho phần thô hết 170 triệu, tăng thêm 35 triệu so với ban đầu.

Sau khi căn nhà hoàn tất, trong lúc dọn dẹp lại đồ đạc, Nam tình cờ nhặt được báo giá lúc ban đầu của tôi. Trong báo giá đó, tôi có ghi rõ nội dung công việc phần thô bao gồm : các công tác liên quan đến xây tô và nhân công ốp lát, sơn nước và lắp đặt hệ thống điện, nước. Rốt cuộc "phần thô" của tôi và "phần thô" của chú Hoàng kia là 2 cái "thô" khác nhau, nhưng vì không có kiến thức về xây nhà nên Nam và cả nhà không thể phân biệt được sự khác nhau này. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết ấy, không ít các nhà thầu như chú Hoàng sử dụng các chiêu trò để lấy thêm tiền từ chủ nhà.

Câu chuyện của Nam cũng chỉ là một trong những câu chuyện không vui mà tôi vẫn thường hay gặp trong quá trình làm việc. Còn rất nhiều câu chuyện không vui khác vẫn thường xuyên xảy ra, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức của chủ nhà về việc xây nhà. Hậu quả là không ít trường hợp chủ nhà sau khi nhờ bạn bè, người quen xây nhà xong thì cả hai không nhìn mặt nhau nữa, thậm chí đến mức như kẻ thù không đội trời chung. Hoặc nặng hơn, sau khi nhà xây xong thì không thể hoàn công, hoặc bị buộc phải phá dỡ một phần vì xây sai phép...

Những vấn đề thường hay xảy ra khi xây nhà ?

- Phát sinh chi phí so với dự trù.
- Chậm trễ tiến độ so với dự trù.
- Bố cục nhà bất hợp lý, thiếu thông thoáng, màu sắc trang trí không hợp...
- Sau khi xây, thầy phong thủy yêu cầu dời vị trí bếp, phòng ngủ ...
- Đường ống nước âm tường bị rò rỉ.
- Nhà bị thấm, dột, nứt sau khi xây.
- Nhà bên cạnh yêu cầu bồi thường vì nứt nhà.
- Thi công sai so với giấy phép xây dựng
- Thủ tục giấy phép xây dựng bị chậm trễ.
- Sự cố nghiêm trọng : sập giàn giáo, sập sàn khi đổ bê tông, tai nạn...
- Nhà thầu thi công bỏ công trình trong giai đoạn thi công hoặc bảo hành công trình.
- Nguyên vật liệu sử dụng hao hụt, tiêu tốn bất thường.
- Mâu thuẫn giữa chủ nhà với thầu thi công hoặc giữa chủ nhà với thiết kế...
- Bị sử dụng vật tư hoàn thiện là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng mà không phân biệt được.

Làm sao để phòng tránh các vấn đề trên ?

Việc phòng tránh những sự cố như trên thực sự không khó, thậm chí ngay cả khi bạn hoàn toàn không có chuyên môn kỹ thuật về xây dựng. Đến đây, chắc chắn bạn sẽ có một số thắc mắc như sau :
 
"Ủa, nếu tôi không có chuyên môn kỹ thuật về xây dựng thì làm sao tôi có thể biết được cách xử lý và phòng tránh những vấn đề trên ?". Nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật thì bạn hoàn toàn có thể thuê dịch vụ tư vấn về chuyên môn xây dựng để giải quyết vấn đề trên.

"Nếu vậy, tôi sẽ thuê một cá nhân / công ty làm tư vấn chuyên môn cho mình là đủ rồi ?". Đúng nhưng chưa đủ bạn à. Bởi vì hiện nay dịch vụ tư vấn chuyên môn xây dựng như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát... thì rất nhiều. Trong số đó không phải tất cả các công ty đều cung cấp dịch vụ tốt, thậm chí có trường hợp giám sát còn bắt tay với nhà thầu để lấy tiền từ chủ đầu tư. Do đó, bạn phải là người thông thái để biết cách phân biệt đâu là nhà cung cấp dịch vụ uy tín, đâu là nhà cung cấp dịch vụ không uy tín, đâu là chiêu "làm giá" của nhà thầu để từ đó ra quyết định lựa chọn đúng đắn. Ngoài ra, bạn cũng nên có một số kiến thức cơ bản về quá trình xây nhà để đảm bảo các nhà thầu không dám qua mặt bạn.

"Nếu tôi chọn được nhà tư vấn uy tín, công ty thi công uy tín thì đã đủ chưa ?"  Lúc này công trình của bạn đã đảm bảo tương đối rồi, tuy nhiên bạn cũng cần phải biết được các bước thực hiện để phối hợp công việc với các bên được nhịp nhàng, tránh xảy ra những mâu thuẫn không đáng có.

"Nếu tôi chọn được nhà thầu uy tín, tôi biết cách tổ chức phối hợp công việc giữa các bên rồi thì cần gì nữa không ?" Bạn chỉ cần biết thêm một chút nữa là trách nhiệm công việc cụ thể của các bên, và cách soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo những điều kiện công bằng cho bạn. Như bạn biết rồi đó, hợp đồng là một văn bản quan trọng trong bất kỳ một giao dịch nào. Ấy vậy nhưng có nhiều trường hợp vì quá tin tưởng lẫn nhau mà hai bên là chủ nhà và thầu chỉ làm hợp đồng chung chung, không rõ ràng. Đến khi có những sự việc không mong muốn xảy đến thì hai bên lại quy trách nhiệm cho nhau, hay cãi chày cãi cối mà không dựa trên các điều khoản đã thỏa thuận. Điều này làm mất mối quan hệ giữa các bên, thậm chí công trình bị bỏ dỡ hoặc kéo dài. Do đó, tôi khuyên bạn thôi thì "mất lòng trước, được lòng sau", chẳng thà chúng ta hãy làm một hợp đồng thật rõ ràng để phòng ngừa những điều không may có thể xảy ra.

"Vậy làm sao để tôi biết được những kiến thức, kinh nghiệm để giúp cho việc xây nhà được đẹp, tiết kiệm và giảm thiểu những vấn đề phát sinh trong xây dựng?"  Xuất phát từ câu hỏi trên, bộ sách này được biên soạn nhằm hướng dẫn bạn cách thức quản lý để xây nhà được tốt hơnNội dung trong sách không tập trung vào kỹ thuật xây nhà, mà là cách thức quản lý khi xây nhà. Có thể nói, đây là ấn phẩm đầu tiên hướng dẫn bạn (với vai trò là chủ nhà) cách thức để tự quản lý khi xây nhà, do đó hoàn toàn khác với đa số các ấn phẩm trước đây thường tập trung hướng dẫn kỹ thuật xây nhà - chủ yếu dành cho đối tượng là các kỹ sư / kiến trúc sư khi hành nghề. Nếu như bạn là người lần đầu xây nhà thì tôi tin rằng tài liệu này sẽ rất hữu ích cho bạn, nó sẽ giúp bạn khái quát các công việc cần chuẩn bị trước khi xây nhà và cách thức để có thể quản lý hiệu quả nhất.

Công ty xây dựng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét